Tôi mừng khi có nhiều bạn trẻ uống cà phê sang chảnh, vì chí ít họ kiếm ra tiền nên tiêu xài một chút thì có sao?
Tôi là một người sống không thể thiếu cà phê. Mỗi ngày tôi đều có ít nhất hai cử, vào buổi sáng sớm, trước giờ vào làm và buổi xế. Không hẳn là tôi nghiện cà phê mà xem đó như là thói quen, cũng giống như người Anh thích uống trà chiều.
Tôi thường mua hạt cà phê đã rang về nhà để xay và uống dần. Cuối tuần rảnh rỗi tôi mới ra quán ngồi. Và số lần tôi ngồi ở quán “sang chảnh” là rất hiếm.
Theo kinh nghiệm, những ly cà phê ở quán lề đường có giá từ 10- 15 nghìn nhưng được pha sẵn và chứa đầy trong những chai nước suối 1,5 lít. Màu nước đen kịt. Tôi (và có lẽ nhiều bạn trẻ) không uống được loại này.
Những quán khác dù “bình dân” hơn những cũng có giá dao động từ 20-35 nghìn đồng mỗi ly nước. Nhưng bù lại: rất ồn ào, nếu quán không máy lạnh thì sẽ có những vị khách nhả khói thuốc lá phì phèo rất mất lịch sự.
Tôi không đánh giá gì về nhận định ly nước 90 nghìn đồng đã trở thành “cà phê hàng ngày” của lãnh đạo Starbucks khi hãng đã xây dựng được tập khách hàng thường xuyên, chấp nhận bỏ gần 100 nghìn đồng để uống nước.
Tuy nhiên, khi đọc bình luận phía dưới, tôi thấy có rất nhiều người dường như quá khắt khe, với giọng điệu mỉa mai giới trẻ “tiêu xài hoang phí”, “có bố mẹ giàu”, “sống ảo”…
Ai sẽ uống ly cà phê giá 90 nghìn đồng? Xin thưa đó chính là những người thường xuyên gặp gỡ khách hàng cao cấp, đối tác, những bạn trẻ cần nơi làm việc, những người có thu nhập cao…
Vậy họ sẽ được đó là một không gian tương xứng với tính chất của cuộc gặp gỡ và tầm quan trọng của cuộc hẹn. Cũng như một không gian đầy đủ wifi, máy lạnh và sự yên tĩnh để làm việc.
Giới trẻ bây giờ rất giỏi kiếm tiền. Có thể, những clip của các bạn này trên Tiktok với bạn là nhảm nhí, nhưng đó chính là cơ hội làm hình ảnh cá nhân, cũng như kiếm được tiền từ những clip này.
Tương tự, với một bạn dám thường xuyên bỏ 90 nghìn đồng ra uống cà phê để đổi lấy không gian làm việc hoặc “sống ảo”, tôi tin rằng họ thừa sức để làm việc này. Cớ sao người lớn chúng ta, cứ săm soi và cho đó là một “tội lỗi” để mỉa mai như thế?
Mai Ngọ