Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam xác nhận kết quả tài chính năm 2021 không bằng trước dịch nhưng ly nước 90.000 đồng của họ đã thành “cà phê hàng ngày”.
“Nói về những con số thì kết quả kinh doanh năm qua không thể bằng 2020 và rất xa so với những năm bình thường”, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam chia sẻ mới đây.
Không nói con số cụ thể nhưng bà Patricia cho rằng, đây là điều dễ hiểu vì năm 2020 giãn cách chỉ khoảng hai tuần, còn năm qua tổng thời gian giãn cách kéo dài chín tuần, trong đó có giai đoạn hoàn toàn không kinh doanh gì ở nhiều cửa hàng.
Dù thừa nhận kết quả tài chính thấp, Starbucks vẫn “ăn nên làm ra” ở một số mặt khác. Đó là chuỗi đã xây dựng được tập khách hàng thường xuyên, chấp nhận một ly nước giá 90.000-100.000 đồng. “Starbucks đến thời điểm này có thể nói đã trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng rồi”, bà Patricia tự tin.
Đây cũng là lý do tại sao chuỗi này liên tục mở rộng số cửa hàng, theo hướng săn tìm các mặt bằng xa trung tâm, các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương. Theo phân tích của người đứng đầu Starbucks Việt Nam, người dân xưa thích sống gần trung tâm nhưng giờ họ sẵn sàng ở xa hơn một chút.
“Chúng tôi cũng đi theo sự phát triển dân cư đó. Như vậy, khách hàng sẽ thấy rằng, lúc trước lên quận 1 đi làm mới mua được một ly Starbucks, giờ cuối tuần vẫn mua được gần nhà, thậm chí sáng trước khi đi làm đã mua để mang lên xe”, bà nói.
Cũng theo người đứng đầu Starbucks Việt Nam, trong khi một số chuỗi lớn nội địa thu hẹp điểm bán trong và sau giãn cách, số lượng điểm bán của họ liên tục gia tăng.
Cụ thể, Starbucks đóng 3 cửa hàng trong năm 2021 nhưng mở thêm 9 địa điểm mới. Riêng giai đoạn chuyển giao giữa năm ngoái và năm nay (tức tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay), họ mở thêm 6 cửa hàng, với 3 ở Hà Nội và 2 cửa hàng tại TP HCM và một tại Bình Dương.
Tổng cộng, Starbucks đang có 77 cửa hàng ở Việt Nam, con số khiêm tốn so với các chuỗi nội địa. Nhưng bà Patricia cho biết, các cửa hàng mới đều có những kết quả ngày đầu rất tốt. Kể cả năm ngoái, khi khai trương tại thị trường Nha Trang, họ nhanh chóng thành công trong mùa lễ 30/4.
Mảng giao hàng được tiết lộ tăng trưởng nhiều lần so với trước khi có Covid-19. Các mô hình bán mang về, đặt trước đến lấy hay giao hàng nhìn chung phát triển mạnh. Rõ ràng đó là nhánh kinh doanh chính của F&B, nhờ mảng giao hàng mà tồn tại trong thời gian giãn cách.
Tại Công ty Starbucks mẹ, báo cáo tài chính cho thấy doanh thu hợp nhất của năm tài chính 2021 (kết thúc quý III/2021) đạt 29,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm tài chính 2020. Cùng với đó, biên lợi nhuận hoạt động đạt 16,8%, tăng từ 6,6% trong năm trước, chủ yếu nhờ giảm các chi phí liên quan đến Covid-19 ở Bắc Mỹ, đã bù đắp phần nào các chi phí như đầu tư bổ sung, tăng lương và lợi ích cho các đối tác cửa hàng.
Với năm tài chính 2022, Starbucks kỳ vọng toàn cầu thu nhập từ 32,5 tỷ đến 33 tỷ USD, cao hơn ước tính của Phố Wall là 32,07 tỷ USD. Công ty có kế hoạch mở khoảng 2.000 quán cà phê mới trên toàn cầu. Khoảng 3/4 trong số dự án mới đó sẽ được xây dựng bên ngoài nước Mỹ. Theo số liệu do Statista ghi nhận đến tháng 11/2021, Starbucks có 33.833 cửa hàng trên toàn thế giới.
Dự báo thị trường F&B năm 2022 tại Việt Nam, bà Patricia cho rằng vẫn bất ổn. “Thời điểm này, chúng tôi lên kế hoạch kinh doanh nhưng không thể kỳ vọng, vì không biết trước ngày mai ra sao”, bà nói. Ví dụ gần đây nhất là doanh thu tháng 1/2022 tại Hà Nội sẽ không đạt mục tiêu khi nơi đây chỉ cho bán mang đi.
Tuy nhiên, bán mang đi, thanh toán không tiền mặt và thương mại điện tử được Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục khởi sắc. Bà này cho biết, một số cửa hàng mới có diện tích nhỏ hơn không phải để tiết kiệm chi phí mà để thích hợp xu hướng những năm gần đây lượng khách mang đi nhiều, nên không gian tối ưu cho nhu cầu đó. Ngay tại chi nhánh lâu đời của Starbucks như ở Hàn Thuyên (quận 1, TP HCM) tầm 8-9h sáng, gần 100% là khách văn phòng đến mua mang đi.
Về thói quen thanh toán, hiện khách hàng vẫn còn trả tiền mặt nhưng trong thời gian dịch bệnh, nhiều người sẵn sàng tự quẹt thẻ hoặc scan điện thoại để thanh toán. Starbucks Việt Nam cũng chỉ mới có gian hàng trên sàn thương mại điện tử năm 2020 nhưng kết quả được biết là vượt kỳ vọng. “Phần giao hàng tăng trưởng tốt và từ giờ trở đi không thể nào thấp hơn được”, bà nói.
Ở mảng offline, mặt bằng trống đang còn nhiều nhưng giới F&B sẽ không dễ tìm được vị trí ưng ý với giá cả hợp lý. Bà Patricia dẫn số liệu từ đối tác cho biết, mùa dịch năm ngoái, giá thuê mặt bằng thương mại ở Việt Nam tăng 3% trong khi Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Campuchia, Lào giảm đến 10%.
Đến giờ, những mặt bằng đẹp dù giá đã giảm được 10%, vẫn còn rất đắt đỏ. “Rõ ràng dịch bệnh không phải cơ hội để trả giá mặt bằng ở Việt Nam, giá thuê có thể hợp lý hơn nhưng không rẻ”, bà nói.
Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà ở Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Số liệu cập nhật đến tháng 4/2021 của Statista cho biết, 3 chuỗi có số lượng cửa hàng đứng đầu là các thương hiệu nội địa như Highlands (426 cửa hàng), The Coffee House (163 cửa hàng) và Trung Nguyên E-Coffee (89 cửa hàng). Trong khi đó, Starbucks xếp vị trí thứ 7 trong top 10 chuỗi có lượng cửa hàng nhiều nhất.
Tuy nhiên, sau khi trải qua đợt cao điểm giãn cách xã hội, nhất là quý III, lượng cửa hàng của các chuỗi có một số biến động. Trong khi chuỗi ngoại này giờ có 77 cửa hàng thì theo thông tin tự công bố trên các website chính thức, The Coffee House còn 146 cửa hàng, Highlands tăng trưởng lên mốc 462 quán, Trung Nguyễn vẫn giữ nguyên 89 cửa hàng.
Ngoài ra, dù chưa có mặt trong top các chuỗi có số cửa hàng lớn nhưng một chuỗi ngoại cũng đang có đà đi lên là Café Amazon đến từ Thái Lan. Vào Việt Nam cuối 2020, dù trải qua năm dịch, họ vẫn đều đặn mở thêm cửa hàng, với số lượng hiện tại là 8, gồm 5 tại TP HCM và 3 cửa hàng tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang.
Phân khúc nhượng quyền chuỗi cà phê bình dân hiện cũng có tín hiệu tăng tốc từ sau đợt giãn cách vừa qua.
Viễn Thông