Theo Đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế, giấy chứng nhận có 7 mũi tiêm vaccine để phù hợp với nhiều người và nhiều tình huống.
Hôm 7/1, Bộ Y tế sửa mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19, nội dung ghi rõ 7 mũi bao gồm mũi tiêm cơ bản, mũi tiêm nhắc lại và mũi tiêm bổ sung. Mẫu mới áp dụng ngay từ ngày ban hành.
Người đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế giải thích mỗi hãng sản xuất vaccine Covid-19 có số liều cơ bản khác nhau. Liều cơ bản là vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik…, mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Vaccine của Johnson & Johnson liệu trình chỉ một mũi duy nhất; còn vaccine của Cuba liệu trình 3 mũi tiêm.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người tiêm vaccine Vero cell, Sputnik phải tiêm mũi bổ sung mới được xem đủ liều cơ bản. Như vậy liều cơ bản hai loại vaccine này lên ba mũi.
Sau khi tiêm liều cơ bản, người có miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư, HIV, người ghép tạng, cần thêm một mũi nữa so với liều cơ bản, gọi là liều bổ sung. Mũi này tiêm trong vòng một tháng sau khi hoàn thành liều cơ bản, sử dụng cùng loại vaccine đã tiêm ở liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (như Pfizer, Moderna…) để thay thế.
Người có sức khỏe tốt, kháng thể ở mức cao hoặc nhóm có bệnh nền, người tiếp xúc F0, bác sĩ tuyến đầu… không cần tiêm mũi bổ sung. Họ có thể tiêm mũi nhắc lại trong vòng ít nhất ba tháng sau khi hoàn thành liều cơ bản. Loại vaccine sử dụng là vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca.
Như vậy, mỗi người có nhu cầu tiêm chủng khác nhau. Do đó, mẫu giấy chứng nhận mới của Bộ Y tế đã mở rộng tới 7 mũi tiêm để đáp ứng các nhu cầu hoặc một số trường hợp đặc biệt, theo người đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng. Ví dụ, một người miễn dịch kém tiêm vaccine Abdala sẽ tiêm ba mũi cơ bản, cùng với hai mũi bổ sung và nhắc lại, như vậy cần xác nhận tổng cộng khoảng 5 mũi. Hoặc người tiêm hai mũi vaccine thử nghiệm (loại chưa được cấp phép), thì phải tiêm lại vaccine được cấp phép từ đầu và mũi tăng cường, như vậy cần xác nhận tới 7 mũi tiêm (hai mũi thử nghiệm, 2-3 mũi cơ bản, một mũi bổ sung và một mũi nhắc lại).
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết giấy xác nhận tiêm chủng tiêm mới phù hợp với lịch tiêm chủng của mỗi người và tất cả các loại vaccine lưu hành trong nước, cập nhật những thay đổi trong tiêm phòng vaccine Covid-19 trên thế giới. Bộ Y tế sửa đổi mẫu xác nhận nhằm đảm bảo điền được linh hoạt các thông tin của lịch tiêm liều cơ bản, liều bổ sung và một mũi tiêm nhắc; áp dụng được cho người nước ngoài đã tiêm hơn một mũi nhắc lại hoặc sử dụng khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thay đổi khuyến cáo. Giấy này cũng giúp các cơ quan thuận lợi xác định loại vaccine nào được tiêm bổ sung và nhắc lại.
Hiện Bộ Y tế cho phép tiêm một mũi nhắc lại, chưa hướng dẫn tiêm nhắc mũi hai và ba. Cơ sở tiêm chủng cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ngay sau tiêm.
Tính đến 7/1, Việt Nam tiêm chủng hơn 159,1 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm mũi một hơn 78,2 triệu liều, tiêm mũi hai là hơn 70,7 triệu liều, tiêm mũi ba (gồm tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là hơn 10,1 triệu liều.
Người dân TP HCM cầm giấy xác nhận tiêm chủng mẫu cũ. Ảnh: Quỳnh Trần
CHI LÊ